[Marketing3k.vn] Richard Branson hay Steve Jobs luôn có những quyết định dựa trên cảm tính bị cho là điên rồ. Nhưng phép màu nhờ linh cảm chỉ xuất hiện khi có đủ lượng người sẵn sằng rót tiền và lực vào túi doanh nhân.
Kinh doanh là một nghệ thuật
Trên thực tế, kinh doanh là một chặng đường chông gai. Thành lập một công ty chẳng mấy kỳ vọng thay đổi thế giới, trải qua bao phen mạo hiểm, những cơ hội thành công hiếm hoi và những bất ổn định trong công việc.
Tuy nhiên, giáo sư Steve Blank thuộc đại học Stanford và đại học Berkeley-California nhận định rằng, dám mạo hiểm có thể mang lại những giá trị rất lớn. Ông tiên phong dẫn đường cho khoá học mang tên Lean LaunchPad- được quỹ Khoa học Quốc gia áp dụng cho trung tâm đào tạo nguồn trí tuệ trẻ I-Corps. Theo giáo sư Blank, xã hội tiến bộ từ những ý tưởng tưởng chừng vô lý.
Mọi doanh nhân tài ba như Richard Branson hay Steve Jobs luôn có những quyết định dựa trên cảm tính mà chúng ta thường cho là điên rồ. Nhưng chính những điều điên rồ ấy lại thay đổi cả thế giới. Và hầu hết doanh nhân thành đạt khi được hỏi về bí quyết thành công thì đều nhắc đến “bản năng cảm tính” của mình.
Giáo sư Blank cho rằng “đó là một đặc tính sinh tồn”- ông tin các doanh nhân suy nghĩ khác người bình thường và nhìn thấy những điều phần lớn mọi người không thấy. Trên thực tế, với ông, cái gọi là “bản năng cảm tính” chính là lối suy nghĩ kết hợp giữa kinh nghiệm và sự huy động thông tin. “Đầu óc doanh nhân giống như một người nhận dạng mẫu. Mọi người đưa những quyết định cơ bản vào đầu anh ta, nhưng để đến được một mẫu phù hợp cuối cùng thì còn là cả một quá trình dài ngẫm nghĩ và phân tích thông tin”- giáo sư nhận định.
Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là họ luôn đúng mà thực tế còn ngược lại. ông Blank nói 90% thương vụ mạo hiểm đổ bể đắng cay. Song giá trị của 10% khả năng thành công cũng đủ lớn để khiến nhiều doanh nhân chấp nhận đâm lao theo lao.
“Rút cục thì kinh doanh vẫn cứ thiên về nghệ thuật nhiều hơn là khoa học”- giáo sư Blank khẳng định khi làm phép so sánh giữa vẻ đẹp cách mạng của Facebook, Google với bản giao hưởng số 15 của Beethoven và bức “Đêm Trăng” của Van Gogh.
Khá đúng. Bởi những nghệ sỹ khổ hạnh và các thương nhân mới vào nghề quả thực có rất nhiều điểm chung.
Kinh doanh là khoa học
Nhà khoa học Kay-Yut Chen là chủ nhiệm phòng nghiên cứu Hewlett-Packard và cũng là đồng tác giả của cuốn sách nghiên cứu về kinh doanh: “Secrets of the Money Lab: How Behavioral Economics Can Improve Your Busines”. Ông luôn khuyên người mới khởi nghiệp kinh doanh hãy từ từ tiếp cận nó bằng những bước tiến có phương pháp.
Theo ông, việc tin vào linh cảm nghe thật thú vị, nhưng linh cảm là điều không có cơ sở khoa học và thực sự bản năng đó có thể khiến doanh nhân chệch hướng. Quan sát nhiều khía cạnh khác, phép màu nhờ linh cảm chỉ xuất hiện khi có đủ lượng người sẵn sằng rót tiền và lực vào túi doanh nhân.
Ông nói: “Khi đánh giá một hạng mục đầu tư, có nhiều cách kiểm soát sự mạo hiểm và tăng tính hiệu quả của nó. Nhưng bạn không thể bỏ qua nguyên tắc cơ bản là phải đa dạng hoá toàn bộ hạng mục để thành công”.
Nếu mục tiêu đối với các doanh nhân là tạo ra tiến bộ trong xã hội thì việc phân khúc và kiểm tra cả hệ thống là điều quan trọng để đạt được kết quả tốt hơn. Các nhà kinh tế học hành vi như ông Chen thường quan điểm rằng nếu mọi người hiểu các giới hạn trí tuệ cũng như thể chất của mình thì họ hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm hay công ty một với hiệu quả cao hơn. Quả thực thì con người thường thiếu lý trý và bản năng hay đưa họ đi sai đường.
Ông lưu ý rằng một khi các doanh nhân cảnh giác với hành vi phi lý trí, họ sẽ có những quyết định thông thái hơn trên mọi khía cạnh vận hành kinh tế.
Ví dụ, bạn có thể nghĩ rằng người tiêu dùng sẽ thích có nhiều lựa chọn với các sản phẩm mẫu mã đa dạng. Nhưng theo ông Chen, nghiên cứu chỉ ra rằng khi có quá nhiều chủng loại, mọi người sẽ dừng lại vì bối rối và thường bỏ đi thay vì mua hàng. Đây là một vấn đề đáng lưu tâm đối với các doanh nghiệp khi muốn phát triển sản phẩm hay mở rộng thị trường.
Tư duy khoa học hơn có thể giúp giải đáp những câu hỏi cảm tính khó như: khi nào nên bỏ cuộc chơi nếu mọi việc tiến triển không thuận lợi? Ông Chen lưu ý rằng các doanh nhân thường có lòng tự tôn và bám lấy công ty của họ- những con tàu đang chìm giữa đại dương, rồi hao tốn bao nhiêu tiền của. Ngược lại, dưới quan điểm khoa học, sớm bắt đầu lại mới là quyết định thông minh và đúng đắn.
Áp dụng triệt để khoa học phân tích đánh giá vào việc kinh doanh không hẳn là một tuyệt chiêu.Ông Chen thừa nhận rằng các doanh nhân có nguồn lực hạn chế và nhiều điều cần tính toán. Họ cũng không có thời gian tìm hiểu khoa học để đưa ra mỗi quyết định. Nhưng điều này không thay đổi được sự thật rằng cảnh giác trước cảm tính luôn có lợi đối với doanh nhân. Tóm lại, nếu bản năng cảm tính là một đặc tính sinh tồn thì sự thận trọng lý trý cũng vậy. Và sự thận trọng thì không bao giờ dẫn tới 90% thất bại cả.
Phong Linh
Theo TTVN/Entrepreneur
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét