[Marketing4u - Khởi Nghiệp] Chúng tôi cũng nỗ lực và khuyến khích sinh viên Việt Nam dám “mơ lớn” khi họ nghĩ về việc khởi nghiệp kinh doanh.
Không khó để nhận ra Việt Nam là một trong những quốc gia có tinh thần kinh doanh cao trên thế giới, ngay từ thời điểm đặt chân tới đất nước này. Kinh doanh nhỏ nở rộ tại các cửa hàng, trên các lối đi và dọc các con đường trên khắp Việt Nam.
Tôi vinh dự được là học giả Fulbright để tới Việt Nam, dạy về tinh thần kinh doanh tại ĐH Kinh tế quốc dân, Hà Nội. Fulbright là chương trình trao đổi giáo dục quốc tế được tài trợ bởi Chính phủ Hoa Kỳ và được thiết kế nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Mỹ và nhân dân các nước khác. Ở Mỹ, tôi là giáo sư tại trường Quản lý Weatherhead thuộc Case Western Reserve University tại Cleveland, Ohio. Bên cạnh việc giảng dạy, tôi cũng là đối tác quản lý của một quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên đầu tư vào các công ty cung cấp dịch vụ y tế ở giai đoạn đầu. Tháng Giêng 2012, tôi tới Hà Nội cùng với vợ tôi, Stacy, vốn là giám đốc marketing của một tổ chức phi chính phủ tại Cleveland và 3 con của chúng tôi, ở độ tuổi lần lượt là 9,7 và 6.
Tôi chủ yếu giảng dạy cho sinh viên Việt Nam tại chương trình cử nhân tiếng anh ngành quản trị kinh doanh của trường Kinh tế quốc dân. Tôi có cơ hội cùng với giảng viên người Việt, anh Hà Tùng dạy một khóa về tinh thần kinh doanh và việc xây dựng các dự án kinh doanh mới.
Tôi đã có trải nghiệm tuyệt vời khi thiết kế chương trình giảng dạy cùng giáo sư Việt Nam. Chúng tôi cùng chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm thực tế của mỗi nước trong việc giảng dạy. Phong cách giảng dạy của tôi chú trọng sự tương tác và đã thành đặc tính, tôi đưa các vị khách mời tới giảng đường để chia sẻ với sinh viên những kinh nghiệm thực tế về việc khởi nghiệp và vấn đề tài chính cho việc tạo dựng một công ty mới.
Chúng tôi đã có được những vị khách mời tuyệt vời, như Đỗ Tuấn Anh, CEO của Appstore.vn, Simon Andrews, Quản lý khu vực của IFC, Đức Trần từ IDG Vietnam Ventures, và Ryan Galloway, Phó Giám đốc chiến lược của MobiVi. Những vị khách này đã chai sẻ kinh nghiệm riêng của họ trong việc thành lập công ty, và cách thức thực tế để điều hành công ty vốn hiếm khi giống với kế hoạch kinh doanh đề ra.
"Mơ lớn"
Mặc dù Việt Nam có tinh thần kinh doanh lạ thường, nhưng nhiều doanh nhân Việt Nam lại sợ thất bại. Do đó, doanh nhân người Việt thường xuyên không sẵn sàng chịu rủi ro trong kinh doanh như những người đồng sự ở các quốc gia khác. Chúng tôi cũng nỗ lực và khuyến khích sinh viên Việt Nam dám "mơ lớn" khi họ nghĩ về việc khởi nghiệp kinh doanh.
Chúng tôi yêu cầu sinh viết viết kế hoạch kinh doanh như là một phần của khóa học và một vài trong số họ đưa ra ý tưởng mở một nhà hàng hay cửa hàng bán đồ lưu niệm ở Hà Nội. Chúng tôi thách thức sinh viên khám phá để phát triển những ý tưởng kinh doanh dựa trên công nghệ, vốn có tiềm năng phát triển cao và có thể phục vụ tốt cho kinh doanh truyền thống.
Thường là những sinh viên ngành kinh doanh ở Mỹ đưa đến những ý tưởng thành lập những công ty với khả năng tạo nên tăng trưởng ấn tượng. Phần đa những ý tưởng kinh doanh này sẽ thất bại nhưng điều quan trọng với sinh viên Việt Nam là họ suy nghĩ về việc khởi nghiệp với một triển vọng lớn với tư cách một công việc kinh doanh có thể giúp cho cả nền kinh tế tiếp tục phát triển.
Đối với những doanh nhân Việt Nam đang xây dựng các doanh nghiệp mang tính định hướng sự phát triển, việc thu hút vốn từ các nhà đầu tư khác ngoài thành viên trong gia đình vẫn là một thách thức. Cũng đã có những công ty tài chính mạo hiểm tuyệt vời như IDG Vietnam Ventures, DFJ Vinacap nhưng trong so sánh tương quan với các thị trường khác, tỷ lệ đầu tư tài chính mạo hiểm sẵn có ở Việt Nam vẫn còn hạn chế.
Đã có những nỗ lực ở Việt Nam để thử nghiệm và khuyến khích những cá nhân người Việt với mạng lưới quan hệ rộng lớn kêu gọi các nhà đầu tư bỏ vốn vào các công ty mới bắt đầu khởi sự ở Việt Nam nhưng những nỗ lực đó sẽ còn cần nhiều thời gian.
Các nỗ lực khác như chương trình Founder Institute để cố vấn cho các doanh nhân, hỗ trợ họ tiếp cận nguồn vốn giúp doanh nhân Việt Nam có thêm cơ hội để phát triển việc doanh thương.
Tôi đã đóng vai trò cố vấn cho chương trình giúp các doanh nghiệp mới khởi sự tại Việt Nam và tiếp tục đưa ra các lời khuyên cho một vài công ty quan tâm mà tôi đã gặp thông qua chương trình.
Mùa hè này tôi sẽ trở lại Mỹ và sẽ dạy một khóa mới tại Case Western Reserve về tìm hiểu các xu hướng đầu tư tài chính mạo hiểm châu Á, trong đó chủ yếu tập trung vào các doanh nhân và cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Tôi dự định sẽ tiếp tục phát triển những mối quan hệ mà mình đã tạo dựng ở Việt Nam và hi vọng có thể tìm cách để hỗ trợ cho sự phát triển của tinh thần kinh doanh và sáng tạo ở Việt Nam trong tương lai.
Theo Vef (GS. MICHAEL GOLDBERG*)
----------------------
*GS. Michael Goldberg là Giáo sư tại trường Quản lý Weatherhead thuộc Case Western Reserve University tại Cleveland, Ohio và là học giả của Chương trình Fulbright tại Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét