[VEF] Khi một doanh nghiệp tạo dựng được chỗ đứng trên mạng xã hội, không có nghĩa rằng những người sử dụng mạng xã hội đó có quan tâm đến doanh nghiệp đó. Không phải doanh nghiệp nào cũng nên đầu tư vào mang xã hội.
Ngày nay, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Các doanh nghiệp nắm bắt được điều này, và rất nhiều trong số họ quyết tâm làm mọi cách để thương hiệu của mình có chỗ đứng trên những mạng xã hội phổ biến.
Tại Mỹ, có một doanh nghiệp kinh doanh bãi đỗ xe đã làm cho mình những poster cỡ lớn với nội dung như: "Hãy 'like' chúng tôi trên Facebook! Hãy 'tweet' chúng tôi trên Twitter! Và hãy xem video của chúng tôi trên YouTube!". Rõ ràng đây không phải là một chiến lược marketing hay, bởi khó có thể tìm được một điều gì độc đáo hay thú vị từ một bãi đỗ xe khiến cho nhiều người quan tâm.
Và còn rất nhiều công ty khác cũng đang chật vật tìm chỗ đứng riêng cho mình trên mạng xã hội. Dường như họ không thực sự cân nhắc xem điều đó có là một sự đầu tư tốt hay không. Khi một doanh nghiệp tạo dựng được chỗ đứng trên mạng xã hội, không có nghĩa rằng những người sử dụng mạng xã hội đó có thời gian hay sự quan tâm cần thiết để tìm hiểu về doanh nghiệp đó.
Có một vài điều mà nhiều người vẫn hay ngộ nhận, và các doanh nghiệp nên xem xét kỹ càng trước khi đưa ra quyết định đầu tư vào mạng xã hội.
Mạng xã hội là một hình thức quảng cáo miễn phí
Đây là một quan niệm tương đối phổ biến hiện nay. Tuy nhiên trên thực tế, để có thể sử dụng mạng xã hội như một hình thức quảng cáo hiệu quả cần phải có một chiến lược đúng đắn, sự đầu tư về thời gian, nhân lực, các phương án quảng cáo, khuyến mại và quà tặng để xây dựng và duy trì vị thế của doanh nghiệp. Theo những số liệu mà SocialTimes mới công bố vào tháng Năm, thì trung bình một chiến dịch mạng xã hội sẽ "ngốn" của doanh nghiệp khoảng 210.000 USD. Đó là đối với những chiến dịch dành cho các thương hiệu lớn, tuy nhiên ngay cả đối với các công ty nhỏ hơn thì số tiền phải bỏ ra cũng là rất đáng kể. Và khi mà mạng xã hội không hề miễn phí như người ta vẫn tưởng, liệu có còn nhiều doanh nghiệp sử dụng nó như một công cụ marketing hay không?
Hầu hết các công ty nhỏ đều có ngân sách có giới hạn và các công ty này nên đánh giá mạng xã hội một cách thận trọng, như những gì họ làm với những công cụ marketing khác. Tham gia vào mạng xã hội thường tiêu tốn rất nhiều thời gian. Thời gian là tiền bạc, cho dù doanh nghiệp tự đứng ra thực hiện những chiến dịch mạng xã hội hay thuê người khác chịu trách nhiệm thay cho mình.
Tất cả doanh nghiệp đều nên đầu tư vào mạng xã hội
Đối với tất cả các doanh nghiệp, sự quan tâm của mọi người luôn là một điều rất hữu ích, và mạng xã hội có thể giúp doanh nghiệp đạt được điều này, cũng như tăng cường sự gắn bó với khách hàng. Nếu một doanh nghiệp có khách hàng tiềm năng trên Facebook hay Twitter, doanh nghiệp đó có thể tạo ra một trang cung cấp thông tin cơ bản và có đường link dẫn đến trang web của mình. Nhưng điều này có nên được áp dụng với mọi công ty hay không?
Trong trường hợp của các công ty kinh doanh những hàng hóa hay dịch vụ mà mọi người hiếm khi cần, liệu việc tham gia mạng xã hội có phải là một quyết định đầu tư đúng đắn? Mọi người thường không mấy hứng thú với những thứ ít liên quan đến cuộc sống hàng ngày của họ.
Tuy vậy, trên Facebook vẫn có không ít những trang về một dịch vụ như vậy: nhà tang lễ. Một số nhà tang lễ dùng trang Facebook của mình để lưu giữ các thông tin liên lạc và thông báo về dịch vụ tang lễ của mình. Các nhà tang lễ khác thậm chí còn có một nhóm những người ủng hộ, và các bình luận của họ rất đa dạng: từ việc cảm ơn nhà tang lễ vì đã làm tóc cho những người được mai táng, cho đến việc nói rằng họ sẽ trở lại...
Một trường hợp khác là về dịch vụ luật sư chuyên giải quyết các vấn đề về ly hôn. Một nhóm các luật sư đã tìm đến một chuyên gia về PR để xin tư vấn về việc sử dụng mạng xã hội nhằm quảng bá dịch vụ của mình. Tuy nhiên, chuyên gia này đã đưa ra một số lí do để cho thấy rằng hầu hết các mạng xã hội phổ biến hiện nay (Twitter, Facebook, YouTube, Yelp) đều không phù hợp với yêu cầu của nhóm luật sư trên. Trong những vụ ly hôn có nhiều tài sản cần phải phân chia, những người trong cuộc sẽ luôn tìm cách để thuê được luật sư có trình độ cao nhất nhằm đảm bảo lợi thế trong những tranh chấp có thể xảy ra. Họ thường xuyên tìm đến những người mà mình quen biết và tin tưởng để hỏi ý kiến, thay vì tìm kiếm một dịch vụ luật sư trên Yelp hay Angie's List.
Mọi người sẽ thực sự thích các doanh nghiệp có chỗ đứng trên mạng xã hội
Có không ít những công ty "cầu xin" người khác ấn nút "like" hay kết bạn với họ trên Facebook. Điều này tạo cảm giác như một đứa trẻ đang làm mọi cách để được tham gia vào trò chơi của bạn bè. Đối với nhiều người, họ cảm thấy khó chịu và sẽ không muốn quan tâm đến những công ty như vậy.
Hầu hết người tiêu dùng cảm thấy mình không dư dả thời gian. Họ chỉ có một khoảng thời gian rất ngắn để tiếp xúc với một thương hiệu trên các trang mạng xã hội. Các doanh nghiệp cần phải nắm rõ điều này, và hãy cố gắng làm cho khoảng thời gian đó thực sự có giá trị đối với khách hàng. Hãy bắt đầu với một chiến lược cụ thể, một kế hoạch đáng tin cậy (cùng với một nguồn ngân sách hợp lí) để dẫn dắt những người sử dụng vào trang mạng xã hội của mình và làm cho họ cảm thấy hào hứng. Việc mời chào những thứ có giá trị là cực kỳ quan trọng. Các doanh nghiệp có thể sử dụng phiếu giảm giá, quà tặng, những cuộc thi, một vài sự kiện đặc biệt hay các bài viết thú vị.
SpiritHoods, một công ty sản xuất trang phục lấy cảm hứng từ động vật của California đã tổ chức những buổi "đốt lửa trại online" nhằm kết nối cộng đồng khách hàng với công ty, và đã đạt được hiệu quả vô cùng ấn tượng. Những biện pháp mà SpiritHoods đã sử dụng là các cuộc thi, quà tặng và các hoạt động mang tính từ thiện hướng đến những nhóm bảo vệ động vật hoang dã. Ngoài ra, một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí để tạo nên sức hút cho trang mạng xã hội của doanh nghiệp là phát triển những câu đố tương tác giữa doanh nghiệp và khách hàng. Hiện nay, nhiều ứng dụng về các câu đố tương tác như vậy có thể được tìm thấy trên Kwanzoo và SnapApp. Nhìn chung, mọi người rất thích tìm hiểu thêm về chính mình, cũng như chia sẽ quan điểm của mình đối với bạn bè và người thân.
Các công ty quyết định đầu tư vào mạng xã hội cần phải hướng đến sự thú vị cũng như đem đến cho người sử dụng một giá trị khiến họ trở thành người tiêu dùng "thông thái". Bằng cách này, họ sẽ giúp doanh nghiệp truyền đạt thông điệp của mình đến những người khác. Người tiêu dùng cũng có những "thương hiệu cá nhân" mà họ rất coi trọng. Vì vậy, khi ở vào vị trí của một doanh nghiệp, hãy tìm ra những điểm làm nổi bật lên "thương hiệu cá nhân" của khách hàng. Khi doanh nghiệp giúp cho khách hàng trở nên "thông thái", thú vị và thành công hơn trong thế giới mạng xã hội của họ, doanh nghiệp đó đã có được thành công từ chiến dịch của mình.
Tác giả: Minh Tiến theo HBR
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét