[Tư vấn Marketing] Khởi nghiệp đang là trào lưu và rất nhiều người muốn theo đuổi con đường này. Tuy nhiên trước tình hình kinh tế suy thoái và rơi vào tình cảnh tồi tệ, không ít người lưỡng lự. Vậy bây giờ có phải là thời điểm tốt để khởi nghiệp hay không? Hãy lắng nghe ý kiến của Paul Graham, một trong những người có ảnh hưởng nhất cộng đồng startup tại Mỹ.
Đây là bài essay của Paul Graham, người sáng lập Y-Combinator, vườn ươm khởi nghiệp thành công và nổi tiếng nhất nước Mỹ.
Nhiều chuyên gia sợ rằng nền kinh tế không mấy sáng sủa hiện nay không khác gì những năm 75 thế kỉ trước…
Nhưng đấy cũng là thời điểm Microsoft và Apple được thành lập.
Điều đó gợi ý rằng lúc kinh tế suy thoái chưa hẳn là không tốt để bạn khởi nghiệp. Tôi cũng không cho rằng đó là thời điểm tốt. Sự thật còn rõ ràng hơn: Tình hình kinh tế thực ra không ảnh hưởng gì nhiều.
Có một điều chúng tôi rút ra được sau khi đầu tư vào hàng đống các công ty khởi nghiệp (startup) đó là:
"Phẩm chất của người sáng lập mới ảnh hưởng đến sự thành bại. Tình hình kinh tế cũng có ảnh hưởng, nhưng chả là gì so với vai trò của người sáng lập."
Điều đó có nghĩa rằng vấn đề ở đây là bạn là gì chứ không phải bạn khởi nghiệp khi nào. Nếu bạn giỏi, bạn sẽ thành công ngay cả khi kinh tế xấu. Ngược lại, nếu bạn kém thì nền kinh tế dù có tốt cũng chẳng cứu được bạn. Nếu cứ nghĩ rằng “Không nên bắt đầu kinh doanh khi kinh tế đang xấu” thì cũng dở chả khác gì cho rằng “Cứ đơn giản mở một công ty là sẽ giàu” khi thị trường có dấu hiệu bong bóng.
Vậy nếu muốn tăng cơ hội cho mình, bạn nên quan tâm đến việc tìm người đồng sáng lập nhiều hơn là tình trạng của nền kinh tế. Và những nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của công ty sẽ không nằm ở các bản tin, mà ở trong tấm gương, khi bạn nhìn vào chính bản thân mình.
Nhưng với những người đang muốn khởi nghiệp, có đáng để chờ cho đến khi kinh tế sáng sủa hơn? Có thể đáng để chờ nếu bạn định mở một nhà hàng, nhưng chả ích gì khi bạn làm công nghệ. Công nghệ phát triển nhanh hay chậm độc lập với thị trường chứng khoán. Vậy nên khi có ý tưởng, bắt tay vào làm ngay sẽ tốt hơn là ngồi chờ. Sản phẩm đầu tiên của Microsoft là trình thông dịch Basic cho máy Altair, và đó chính là thứ người ta cần khi đó vào năm 1975. Nếu Bill Gates và Allen hoãn đến năm sau thì có lẽ đã quá muộn.
Tất nhiên bạn còn nhiều ý tưởng khác nữa sau này. Luôn có những ý tưởng mới. Nhưng nếu bạn đang có một ý tưởng cụ thể, hãy tiến hành làm ngay.
Điều này cũng không có nghĩa rằng bạn có thể lờ đi tình hình kinh tế. Khi kinh tế khó khăn thì cả khách hàng lẫn nhà đầu tư đều ít tiền. Khi khách hàng không dư dả thì cũng không hẳn là vấn đề, thậm chí bạn còn có thể đắc lợi từ đó bằng cách bán các sản phẩm giá rẻ. Các công ty mới thường cạnh tranh bằng giá thấp, vì vậy ở khía cạnh này khi kinh tế khó khăn bạn sẽ có lợi hơn các công ty lớn.
Nhà đầu tư mới là vấn đề thực sự. Thường các startup cần phải có một khoản đầu tư bên ngoài, và khi kinh tế không tốt các nhà đầu tư cũng dè dặt hơn. Thực ra họ không nên như vậy. Ai cũng biết rằng ta nên mua khi tình trạng kinh tế xấu (giá rẻ) và nên bán khi kinh tế tốt. Nhưng, trong thị trường cổ phiếu, thời điểm tốt được định nghĩa là lúc mọi người đều nghĩ nên mua vào, mà thực tế thì không phải lúc nào cũng như vậy. Và đó là lý do tại sao chỉ có một số nhỏ những người đi ngược với đám đông mới có những quyết định đầu tư đúng đắn.
Thế nên, vào năm 1999, khi bong bóng dot-com bùng nổ, nhà đầu tư chen lấn nhau để mua vào cổ phiếu của một startup tồi, và hiện nay ta có thể đoán là họ sẽ lại dè dặt mua ngay cả những cổ phiếu của công ty tốt.
Bạn cần phải thích ứng với điều này. Thực ra cũng chả phải điều gì mới: các startup luôn phải thích ứng với sự đỏng đảnh của nhà đầu tư. Thử hỏi bất kì người sáng lập ở bất kì ngành nào xem nhà đầu tư của họ có hay õng ẹo không, và để ý đến thái độ của họ xem. Nay phải giải thích làm cách nào công ty của bạn sẽ phát triển, mai phải giải thích làm cách nào để chống chọi với suy thoái.
(Thật ra đấy cũng là việc tốt. Nhưng những sai lầm của nhà đầu tư không phải là cách họ phán xét mà họ luôn có xu hướng tập trung vào một vấn đề mà bỏ qua các vấn đề khác.)
Thật may, cách bạn làm startup cũng giống như cách bạn chống chọi với suy thoái: vận hành với chi phí thấp nhất có thể. Bao năm nay tôi vẫn luôn nói với các nhà sáng lập rằng con đường chắc chắn nhất đi đến thành công đó là trở thành “những con gián” trong một thế giới toàn các tập đoàn khổng lồ (biết khôn ngoan lựa chọn vị trí an toàn cho mình, dù vị trí đó không được hào nhoáng cho lắm). Khi hết tiền, một startup sẽ chết ngay lập tức. Vì vậy chi phí hoạt động càng thấp thì bạn càng khó chết. Và cũng thật may mắn chi phí hoạt động cho một startup thường thấp. Dù một đợt suy thoái thế nào xẩy ra thì nó vẫn cứ rẻ.
Nếu thảm họa hạt nhân có xẩy ra thì thà làm “con gián” còn hơn giữ việc làm ở các công ty lớn. Khách hàng sẽ ra đi lần lượt khi họ không còn đủ tiền trả cho bạn, nên bạn sẽ không bất ngờ mất hết khách. Thị trường không đối xử với bạn như cách các công ty “sa thải nhân sự”.
Giả sử nếu bạn đã bỏ việc, startup của bạn thất bại và bạn không tìm được việc làm khác thì sao? Sẽ là vấn đề nếu bạn làm việc trong mảng sale và marketing, vì sẽ cần hàng tháng trời để tìm việc mới khi kinh tế khó khăn. Nhưng các hacker (những người đam mê và có khả năng trong ngành công nghệ nói chung) thì linh động hơn. Những hacker giỏi luôn tìm được việc gì đó để làm. Có thể không được như mơ những ít nhất cũng không chết đói.
Một lợi thế khác khi kinh tế xấu đó là sẽ có ít cạnh tranh hơn. Công nghệ cũng như những đoàn tàu đều đặn rời ga. Nếu mọi hành khách khác đang nép vào góc vì sợ, bạn có thể có cả khoang để đi.
Là người sáng lập, bạn cũng là một nhà đầu tư. Bạn mua cổ phiếu bằng công sức của mình. Lý do Larry và Sergey giàu không hẳn bởi họ đã làm ra những thứ trị giá hàng chục tỉ đô, mà bởi họ là những nhà đầu tư đầu tiên vào Google. Và cũng như bất kì nhà đầu tư nào khác, bạn nên mua khi tình hình khó khăn.
Vài đoạn trước bạn có gật gù đồng ý rằng mấy tên đầu tư thật ngu không, khi tôi nói họ chần chừ đầu tư vào thị trường xấu, ngay cả khi đó là thời điểm đáng lý ra rất nên đổ tiền vào? Các ông sáng lập cũng không khá hơn. Khi tình hình khó khăn, nhiều người chọn con đường đi học tiếp. Chắc hẳn lần này cũng vậy. Thực ra, chính tại vì hầu hết mọi người đều không tin những gì tôi nói ở vài đoạn trước – ít nhất là họ cũng không dám làm thử như tôi nói.
Vậy có thể thời kì suy thoái là lúc tốt để khởi nghiệp. Cũng khó nói liệu lợi thế từ việc ít bị cạnh tranh có bù được bất lợi khi ít được đầu tư không. Dù sao kiểu gì cũng không phải là vấn đề lắm. Quan trọng là ở con người. Và dù là ai đi chăng nữa nhất là trong ngành công nghệ, thời điểm hành động luôn là ngay bây giờ.
Gia Khánh
--------0--------
Những nghề "HOT" dù suy thoái kinh tế
“Khó khăn” là từ nhiều người dùng để miêu tả cuộc sống của họ trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Khó khăn từ việc “chạy ăn” đến “công việc, thu nhập,...”. Tuy nhiên, không phải lúc nào suy thoái cũng đi liền với khó khăn.
Chuyên gia nghề nghiệp Andrea nói: “Suy thoái là thời điểm kinh tế chậm lại và sự phát triển của một quốc gia bắt đầu giảm sút. Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại lớn về tài chính vì vậy việc cắt giảm nhân sự là điều khó tránh khỏi. Ý nghĩ khó có thể tồn tại trong thời kỳ suy thoái đã và đang chiếm lĩnh tâm trí của nhiều người. Tuy nhiên, suy thoái không có nghĩa là không thể kiếm tiền để nuôi sống gia đình, bản thân”.
Dưới đây là danh sách những công việc sẽ đem lại cho bạn thu nhập ổn định dẫu cho kinh tế có suy thoái.
1. Kỹ năng sáng tạo của bạn như nhiếp ảnh, hội họa có thể giúp bạn kiếm thêm thu nhập. Đầu tư một khoản nhỏ vào studio chụp ảnh là một ý kiến không tồi để bạn vừa có thể thỏa sức theo đuổi ước mơ, thể hiện tài năng vừa giúp gia đình kiếm tiền trong thời kỳ kinh tế đang khó khăn.
2. Làm đẹp bao giờ cũng là nghề “hot” vì đánh vào tâm lý con người. Ai cũng mong muốn mình đẹp hơn, tự tin hơn và đó là lí do làm đẹp luôn có thị trường dẫu cho kinh tế có suy thoái. Đầu tư vào một cửa hiệu làm đầu, spa hay một thứ gì đó liên quan đến làm đẹp là bạn đã có thể bắt đầu thiết lập lại cuộc sống của bản thân.
3. Lập một văn phòng nhỏ để tư vấn cho khách hàng về pháp luật liên quan đến thuế. Một người có kiến thức tốt về các loại hình thuế cùng những thứ liên quan sẽ là khởi nguồn tốt cho một kế hoạch kinh doanh. Đơn giản với một chiếc bàn, máy tính, phần mềm khai thuế là bạn đã có một văn phòng tư vấn sẵn sàng “tác chiến”.
4. Nếu giảng dạy là niềm đam mê thì đây là thời điểm dành cho bạn. Bạn có thể tìm những trung tâm ngôn ngữ để thực hiện ước mơ.
5. Bắt đầu buôn bán những mặt hàng tiêu dùng tại nhà cũng là một sự lựa chọn không tồi. Mặc dù kinh tế có suy thoái nhưng những nhu cầu hàng ngày như ăn, ngủ, nghỉ sẽ không thể thiếu. Vì vậy, khi nào con người còn nhu cầu thì công việc của bạn còn phát huy tác dụng và ngược lại. Tuy nhiên, không ai là không có nhu cầu vì thế đừng quá lo lắng.
6. Cũng theo chuyên gia Andrea: “Một số doanh nghiệp duy trì được trạng thái ổn định ngay cả khi kinh tế suy thoái. Trong thực tế, họ cần có một nguồn lao động tạm thời để đối phó với các trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Hãy thử tìm kiếm một “chân” trong nguồn lao động dự bị để tạm thời đảm bảo cho cuộc sống.
7. Các trang web và blog cũng có thể trở thành nguồn thu nhập cho bạn trong thời kỳ suy thoái. Bằng cách đặt quảng cáo thông minh trên các trang web, bạn có thể kiếm được một lượng tiền nhất định thông qua thế giới ảo.
8. Một tiện ích nữa của thế giới ảo đó là buôn bán hàng qua mạng. Đây đang được xem là một hình thức kinh doanh hiện đại với vốn đầu tư nhẹ nhàng mà lợi nhuận thu được lại cao. Bạn có thể buôn bán nhiều mặt hành khác nhau như quần áo, giày dép, túi xách, điện thoại,...
Thảo My
--------0--------
Sử dụng đồng tiền thời buổi khó khăn
Khi kinh tế khó khăn, một trong những nơi bạn có thể tìm kiếm lời khuyên khôn ngoan nhất đó là những người từng trải qua thời khủng hoảng - chẳng hạn như ông bà của bạn. Và đây là 10 ý tưởng bạn có thể thu được từ họ, đăng trênthestreet.
1. Tiết kiệm không phải là từ xấu
Nhiều người thường đánh đồng sự tiết kiệm với "rẻ tiền", nhưng điều đó không phải là sự thật.
Tiết kiệm đơn giản là sử dụng tối đa những gì bạn có và mua, không mua những thứ bạn không thực sự cần đến.
Trong khi ông bà cha mẹ bạn học được cách tiết kiệm trong thời kỳ khó khăn, nhiều người vẫn tiếp tục làm điều đó kể cả khi kinh tế đã khá lên, và điều đó giúp họ giàu có.
2. Sử dụng những gì bạn có
Trong một xã hội tiêu thụ, bất cứ vấn đề gì bạn gặp phải luôn có thể được giải quyết bằng tiền. Nếu có thứ gì hỏng, chỉ việc ra ngoài mua thứ mới. Nếu có thứ gì vỡ, ra ngoài mua thứ thay thế.
Nhưng thời của ông bà bạn, khi có thứ gì vỡ, việc đầu tiên họ làm là xem có thể sửa chữa được không. Nếu không thể sửa được, thì trước khi vứt vào sọt rác, họ cũng sẽ xem liệu nó có ích vào việc khác hay không. Không có lý do gì để ra ngoài và tốn tiền vào một thứ mới trong khi bạn có thể vẫn tìm cách sử dụng lại món đồ mà bạn đã có.
3. Tự mình xử lý nếu có trục trặc
Khi sửa chữa thứ gì đó, việc đầu tiên ông bà bạn làm là tự mình tìm hiểu vấn đề. Thay vì gọi cho thợ, trước tiên họ xem mình có thể làm được hay không.
Điều quan trọng bạn cần nhớ là hầu hết công việc sửa chữa không thực sự khó như bạn tưởng, và bạn có thể tự mình làm với một chút tìm tòi và kiên nhẫn.
4. Mọi vật đều có thể sử dụng cho nhiều mục đích
Mọi người có xu hướng mua một món đồ cụ thể và sử dụng nó cho mục đích duy nhất ấy. Điều mà ông bà bạn biết rõ là mọi thứ đều có thể tái sử dụng trong vòng đời của chúng. Chiếc áo sơ mi sờn cổ, không thể mặc ra ngoài có thể trở thành cái áo ngủ ban đêm, và trở thành giẻ lau khi nó bắt đầu thủng lỗ.
5. Nợ nần là điều nên tránh
Trong thời đại của thẻ tín dụng, khi tiêu tiền, điều mà bạn không có hiện nay là sự tư vấn rằng làm điều đó đúng hay sai, trong khi thời của ông bà bạn, mọi người đều tin chắc nợ nần là điều nên tránh. Nếu họ có tiền, họ sẽ đơn giản là vạch ra kế hoạch để thực hiện việc mình muốn. Mượn bạn bè hoặc người thân, tiết kiệm tiền hoặc tìm một thứ khác để dùng thay thế..
6. Tích cốc phòng cơ (để dành cho lúc khó khăn)
Mọi người đều biết rằng trước sau gì sẽ có những ngày mưa gió. Ông bà của bạn hiểu rõ điều này và đặc biệt để dành tiền cho những ngày mưa gió ấy. Còn giờ đây, bạn nên nghĩ rằng sẽ là chuyện bình thường khi để dành một quỹ khẩn cấp, khi tài chính không đi đúng hướng như bạn hình dung.
7. Đồ cũ cũng có thể tốt như đồ mới
Việc mua một chiếc ô tô cũ còn tốt mới qua sử dụng 2-3 năm đã trở thành lời khuyên tài chính cho những ai muốn sở hữu xe hơi. Ông bà của bạn hiểu rằng chuyện xảy ra với người chủ cũ không có nghĩa là đồ vật đó bị xem là vô giá trị. Họ cũng biết rằng điều này không chỉ đúng với xe hơi, mà còn mở rộng sang hầu hết lĩnh vực khác, khi mà thị trường đồ second-hand hết sức phong phú.
8. Thời trang không phải là mục tiêu chính
Khi mua bán, ông bà của bạn biết rằng không phải bề ngoài của thiết bị đó thế nào, mà là nó làm được gì mới quan trọng. Một chiếc Rolex trông sang đấy, nhưng nó không hiện giờ tốt hơn một chiếc đồng hồ thường mua tại cửa hàng gần nhà. Hãy học cách mua đồ vật vì chức năng của nó chứ không phải vì ngoại hình để tiết kiệm tiền.
9. Mặc cả
Khi phải mua một món đồ, ông bà của bạn không chạy tọt ra cửa hàng và khuân về ngay. Họ sẽ bỏ thời gian để mặc cả. Việc đó có nghĩa là tìm hiểu mặt bằng giá rồi đợi đến khi phù hợp, chứ không chỉ là rút thẻ tín dụng ra và mua, ngay cả khi trong thẻ không đủ tiền. Mặc cả mất thời gian, nhưng khi làm được, bạn sẽ có thành quả lớn.
10. Bánh ở nhà là ngon nhất
Trong một xã hội mà mọi thứ đều có thể mua bán thuận tiện, thật khó mà nhớ được lần cuối cùng bạn tổ chức bữa ăn ở nhà là khi nào. Điều mà ông bà bạn biết là không chỉ rẻ hơn, mà món ăn do mình nấu ở nhà cũng ngon hơn nhiều. Hãy nghĩ thế này, có bao giờ bạn định bán đĩa bánh của ông bà làm cho bất kỳ hiệu bánh tên tuổi nào?
Những cách tiêu tiền trên dường như quá đơn giản trong thời đại mà các công cụ kinh tế đầy rẫy như hiện nay, nhưng nguyên tắc sống dưới mức tiềm năng, tích cốc phòng cơ, đạt được bằng cấp và đầu tư vào tương lai vẫn là những châm ngôn có thể mang lại ích lợi cho rất nhiều người ngày nay.
Thuận An
(*) Sưu tầm & tổng hợp: tư vấn khởi nghiệp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét